Thursday, November 22, 2018

Kỹ thuật Xquang khớp vai nghiêng theo phương pháp Lamy và Neer


I. Đặt vấn đề
- Trong chấn thương xương khớp, thường chụp tư thế thẳng trước sau và tư thế nghiêng hoặc chếch, chẵn hạn như khớp gối, khớp khuỷu, cổ tay, … Tuy nhiên, chấn thương khớp vai thường được chụp theo hướng thẳng, tư thế nghiêng Lawrence (tia xuyên ngực) là tư thế chụp khi bị chấn thương vai và để xác định trục của thân xương cánh tay, đầu xương cánh tay và ổ chảo. Ở tư thế này, việc nghiên cứu hình thái một cách chi tiết thường không thực hiện được, do các xương chồng lấp với nhau. Vì vậy, những tổn thương xương bả vai dễ bị bỏ sót nên kỹ thuật này ít dùng.
Trong kỹ thuật Lilienfed: Tư thế này dùng để khảo sát thân xương bả vai, không đánh giá toàn bộ khớp vai. Không thể áp dụng được trong trường hợp chấn thương vai, vì kỹ thuật này vai phải đưa lên cao.
- Kỹ thuật chụp xương bả vai nghiêng theo phương pháp Lamy và Neer được trình bày dưới đây là tư thế chụp mới. Áp dụng kỹ thuật này trong các trường hợp chấn thương khớp vai hoặc trật khớp, thấy được hình ảnh tổn thương xương bả vai, gãy đầu trên xương cánh tay, trật khớp cùng đòn.
II. Mục tiêu nghiên cứu:
- Mục đích của tài liệu này nhằm bổ sung thêm tư thế chụp khớp vai nghiêng vào hệ thống kỹ thuật chụp Xquang thường quy và có thể dùng làm tài liệu giảng dạy trong các trường cao đẳng chuyên nghiệp, đồng thời đề xuất đây là kỹ thuật tốt nhất để chụp khớp vai trong trường hợp chấn thương.
- Đánh giá chi tiết xương bả vai, khớp vai trong chấn thương trên chiều thế vai nghiêng.
- Áp dụng rộng rải tất cả cơ sở y tế có phòng chụp xquang.
*. Tiêu chuẩn chẩn đoán:
- Trật khớp:
Trật khớp ra trước: Đầu xương cánh tay không nằm chồng lên ổ chảo. Đầu xương cánh tay nằm trước xương bả vai.
Trật khớp ra sau: Đầu xương cánh tay không nằm chồng lên ổ chảo. Đầu xương cánh tay nằm sau xương bả vai.
- Chấn thương: Xem gãy các mỏn cùng vai, mỏn quạ, thân xương bả vai, …
III. Phương pháp tiến hành
1. Giải phẫu khớp vai
Khớp vai là khớp quan trọng trong hoạt động. Khả năng chuyển động khớp vai lớn hơn các khớp khác. Tuy nhiên, khớp không vững chắc so với các khớp khác do bề mặt của ổ chảo nhỏ và nông so với chỏm xương cánh tay.
Khớp vai là một khớp lồi cầu- ổ chảo, chỏm xương cánh tay gắn vào ổ chảo xương bả vai.
Khớp vai có một tầm vận động rất rộng, nhờ được cấu tạo từ 3 xương: xương cánh tay, xương vai, xương đòn khớp với nhau qua các khớp: ổ chảo - xương cánh tay, khớp cùng đòn, khớp mỏm cùng - cánh tay. Ngoài ra còn có thêm khớp vai - sườn và khớp ức - đòn giúp cho sự vận động của khớp vai được rộng hơn.
Cánh tay gắn kết với ổ chảo cánh tay nhờ vào chóp xoay và bao khớp, chóp xoay bao gồm 4 cơ (cơ trên gai, cơ dưới gai, cơ dưới vai và cơ tròn bé), nó kết hợp nhau tạo thành 1 vùng bao quanh chỏm xương cánh tay, chóp xoay bám từ xương bả vai tới chỏm xương cánh tay giúp nâng và xoay cánh tay.
Các khớp được bao bọc bằng dây chằng, bao khớp và vận động được là nhờ sự co giãn của gân cơ bám vào.
Có 1 bao gọi là túi hoạt mạc lót giữa chóp xoay và mỏm cùng vai. Túi hoạt mạc này giúp cho chóp xoay không bị va chạm vào mỏm cùng vai khi vận động cánh tay. Nếu có một thúc đẩy xương nhô vào khoảng trống của mỏm cùng vai (mũi tên), các cấu trúc dưới mỏm cùng vai có thể trở nên tổn thương (viêm, đau).
2. Kỹ thuật Xquang
A. PHƯƠNG PHÁP LAMY ( tư thế Y view)
Bệnh nhân có thể được chụp trong tư thế đứng hoặc nằm ngữa; tư thế đứng tốt hơn vì vai được mở rộng. Khi bệnh nhân bị chấn thương nặng, có thể điều chỉnh vị thế bệnh nhân nằm tư thế chếch trước - sau.
1/ Bệnh nhân đứng
a. Tư thế bệnh nhân
- Bệnh nhân đứng trước giá chụp. Đặt mặt trước vai bên đau ngay trung tâm film, xoay bệnh nhân sao cho mặt phẳng đứng ngang tạo với film một góc 60 độ .
Cánh tay bên đau duỗi sát bên thân mình.

- Nên dùng lưới chống mờ (Grid). 
b. Tia trung tâm 
- Tia trung tâm nằm ngang. 
- Nhắm tia trung tâm thẳng góc vào khớp vai ngang mức khớp ổ chảo – cánh tay.
c. Yếu tố kỹ thuật đề nghị
Tư thế     KVP  MAS Khoảng cách tiêu điểm phim Lưới lọc 
Nghiêng  70       22          1m                                        Có 

d. Cấu trúc cơ thể nhìn thấy 
- Hình khớp vai nhìn ở tư thế chếch cho thấy xương bả vai hình chữ Y 
- Trong khớp vai bình thường, đầu xương cánh tay chồng trực tiếp lên ngã ba của chữ Y. 
- Trong trật khớp ra trước (dưới quạ), đầu xương cánh tay ở dưới mỏm quạ; trong trật khớp ra sau (dưới mỏm cùng vai) thì đầu xương cánh tay nằm dưới mỏm cùng vai.
e. Tiêu chuẩn đánh giá
- Xương bả vai không chồng lên xương sườn.
- Mỏm cùng vai được thấy ở hướng nghiêng và không bị chồng lấp.
- Mỏm quạ có thể bị chồng lấp hoặc được thấy nằm trên xương đòn
g. Tầm quan trọng
- Trong các trường hợp chấn thương khớp vai hoặc trật khớp, có thể thấy được gãy xương bả vai, gãy đầu trên xương cánh tay, trật khớp cùng đòn.
- Mỏm cùng vai được thấy rất rõ và không bị chồng lấp. 
h. Hình ảnh xquang
2/ Bệnh nhân nằm: 
a. Tư thế bệnh nhân
Bệnh nhân nằm ngữa, lưng vai đau đặt trên film. 
Đảm bảo bệnh nhân nằm với bình diện người song song với mặt phẳng cassette. 
Đặt bàn tay bên đau lên bụng nếu có thể
Đặt cassette 10x12 ngang dưới lưng bệnh nhân. Trung tâm cassette phải nằm trên mặt phẳng dọc giữa.
Đặt bờ trên cassette cách mỏm cùng vai khoảng 2,5cm.
b. Tia trung tâm
Bẻ tia trung tâm một góc 45o nhắm vào cổ phẫu thuật xương cánh tay bên đau. Đặt bàn tay bên đau lên bụng nếu có thể được. 
Trường hợp dùng lưới chống mờ, đảm bảo rằng hướng nằm ngang của cacssette không bị lưới cản tia. 
 
c. Yếu tố kỹ thuật
Tư thế     KVP  MAS Khoảng cách tiêu điểm phim Lưới lọc 
Nghiêng   70      22       1m                                         Có 
 3. Các biến thể:
Tuỳ theo vị trí đặt xương cánh tay mà ta có các biến thể. Với tư thế Lamy, thân xương cánh tay sẽ chồng lên thân xương bả vai. Những biến thể này sẽ tách được thân xương cánh tay ra khỏi xương bả vai.
3.1. Bàn tay trên hông:
Điểm bất lợi của phương pháp này là lồng ngực bệnh nhân rất nghiêng, đòi hỏi yếu tố chụp cần đòi hỏi tia X cao.

3.2. Kỹ thuật Napoleon:
Ở tư thế này, bàn tay vai bên cần chụp ôm lấy vai đối diện. Ngực bệnh nhân ít nghiêng hơn so với hai kỹ thuật kia.


B. PHƯƠNG PHÁP NEER (Outlet view)
1. Giới thiệu:
“Outlet” là vùng trống nằm dưới cung quạ-cùng vai, bao gồm đầu xương cánh tay, mỏm quạ, cùng đòn, xương đòn nghiêng và bờ trên xương bả vai.
Mục đích của phương pháp Neer là làm rõ khoảng trống dưới mỏm cùng vai để chẩn đoán vùng vai bị tác động.
Tư thế này thường thực hiện đối với bệnh nhân trật khớp vai được biết do chấn thương.
Hình ảnh tiếp tuyến thu được bằng cách chiếu chùm tia X-quang dưới mỏm cùng vai và khớp cùng – đòn, để xác định bờ trên của vùng quạ cùng vai.
2. Kỹ thuật Xquang :
a. Tư thế bệnh nhân :
Bệnh nhân ngồi hoặc đứng, mặt hướng về lưới chống mờ dựng đứng.
Đặt bàn tay bên đau lên bụng. Vai bên đau tiếp xúc với phim, xoay vai không đau về phía xa phim.
Xoay bệnh nhân một góc khoảng từ 45 đến 60 độ, sao cho xương bả vai bên đau thẳng góc với phim.
Chụp ở vị trí sau – trước.

b. Tia trung tâm :
Bẻ một góc 10 -15 độ về phía chân, vào sát bờ sau xương bả vai, xuyên qua điểm trên đầu xương cánh tay
c. Yếu tố kỹ thuật :
Tư thế    KVP  MAS  Khoảng cách tiêu điểm phim Lưới lọc
Nghiêng 75      25          1m                                            Có
d. Phần cấu trúc nhìn thấy :
Bề mặt sau mỏm cùng vai và khớp cùng đòn được thấy rõ cũng như bờ trên của khoảng trống vùng quạ cùng vai.
e. Tiêu chuẩn đánh giá :
• Đầu xương cánh tay nằm dưới khớp cùng đòn.
• Đầu xương cánh tay và khớp cùng đòn hiển thị nhiều chi tiết.
• Xương cánh tay và thân xương bả vai nhìn chung là song song với nhau.
g. Tầm quan trọng :
- Đánh giá khoảng trống vùng mỏm cùng vai
- Trong các trường hợp chấn thương khớp vai hoặc trật khớp, có thể thấy được gãy xương bả vai, gãy đầu trên xương cánh tay, trật khớp cùng đòn.
h. Hình ảnh Xquang:
SO SÁNH HÌNH ẢNH CÁC KỸ THUẬT CHỤP: 



 MỘT SỐ HÌNH ẢNH XQUANG : 



 V. BÀN LUẬN 
 Phương pháp Lamy và Neer dùng chụp vai nghiêng là phương pháp chụp mới được ứng dụng. Người viết dùng dữ liệu từ tài liệu tiếng Anh: Radiographic positions and procedures của tác giả Mr.souheil Barakat, từ website wikiradiography.com và tham khảo một số website khác. Các tài liệu như sách giảng dạy, giáo trình chụp Xquang chưa được đề cập. Chưa có tài liệu bằng Tiếng Việt một cách hệ thống. 
 Mục đích của tài liệu này nhằm bổ sung thêm tư thế chụp khớp vai nghiêng vào hệ thống kỹ thuật chụp Xquang thường quy và có thể dùng làm tài liệu giảng dạy trong các trường cao đẳng chuyên nghiệp. 
Cách thức chụp và tư thế bệnh nhân của hai phương pháp như nhau. Tuy nhiên, ở Neer hướng của tia trung tâm chếch về phía chân một góc 10-15 độ . Mục đích của phương pháp Neer là làm rõ khoảng trống dưới mỏm cùng vai để chẩn đoán vùng vai bị tác động. Tư thế này thường thực hiện đối với bệnh nhân trật khớp vai do chấn thương. Phương pháp Lamy có tùy biến bàn tay đặt trên hông hoặc ôm vai đối diện. 
Phương pháp chụp được ứng dụng cho tất cả các cơ sở y tế có máy chụp Xquang. Lựa chọn tốt cho những cơ sở chưa có trang thiết bị hiện đại như Máy cắt lớp vi tính (CT Scanner) hay Cộng hưởng từ (MRI). 
 TÀI LIỆU THAM KHẢO 
 1. Radiographic positions and procedures by Mr.souheil Barakat, Radiographic 2011 
2. Website : www.wikiradiography.com 
3. Imaging of the shoulder – A.M Davies J. Hodler - Spinger 
4. Kỹ thuật Xquang – BS Nguyễn Văn Hanh – NXB Y học 
5. Kỹ thuật Xquang thông thường – Nguyễn Doãn Cường – NXB Y học – Hà Nội 2008 
6. Pocket Atlas Of Radiographic Anatomy - Second edition – Torsten Moeller MD và Emil Reif, MD. 7. Kỹ thuật chụp Xquang – NXB Y học – PGS. TS Phạm Minh Thông

No comments:

Post a Comment